Từ cổ tới kim và cả sau này cũng vậy, hệ thống giáo dục nào cũng có vấn đề. Đó là những vấn đề về hệ thống, về con người, những vấn đề về chiến lược và chiến thuật.
Chỉ trích, nhất là chỉ trích vu vơ thì rất dễ. Nhưng, phản biện để hướng tới cải tổ thực sự thì cần những hiểu biết thấu đáo về kỹ thuật, về các mục tiêu phát triển ngắn, trung và dài hạn, và đặc biệt là sự sẵn lòng lắng nghe, chia sẻ và đối thoại.
"Những lá thư gửi tân Bộ trưởng Giáo dục" không phải là một giáo trình hay công thức để những bộ trưởng giáo dục có thể áp dụng và trở nên thành công hơn, nhưng nó có thể góp phần nuôi dưỡng tinh thần vì giáo dục của bất kì ai.
Cuốn sách bao gồm 19 chương, trong đó tác giả biên tập Fernando Reimers dành chương mở đầu để đúc rút những bài học ông thu nhận được từ 18 lá thư mà các nhà lãnh đạo giáo dục cao cấp (nguyên Bộ trưởng, Thứ trưởng, Cố vấn cấp cao…) gửi tới những người kế nhiệm.
Tất nhiên, bạn không phải là Bộ trưởng Giáo dục. Nhưng nếu bạn thực sự quan tâm tới giáo dục, thì đây là một gợi ý không tồi.
........
LỜI NHẮN CỦA TÁC GIẢ CUỐN SÁCH “NHỮNG BỨC THƯ GỬI TÂN BỘ TRƯỞNG GIÁO DỤC” TỚI ĐỘC GIẢ VIỆT NAM
Tôi rất vui mừng khi biết cuốn sách Những lá thư gửi Tân Bộ trưởng Giáo dục được xuất bản bằng Tiếng Việt và muốn gửi lời cảm ơn tới GS. Lê Anh Vinh vì đã quan tâm, ủng hộ để giúp dự án thành hiện thực. Tôi được biết Việt Nam là một quốc gia rất coi trọng giáo dục và luôn cố gắng trong việc không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học. Với mong muốn đẩy mạnh tốc độ phát triển giáo dục, Việt Nam đã mở cửa với thế giới để tiếp thu và trao đổi về cách thức cải tổ lĩnh vực quan trọng này. Những trao đổi như vậy đã hình thành nên nền móng của chuyên ngành giáo dục so sánh và cũng là căn cơ cho những bước tiến vượt bậc của giáo dục trong vòng một vài thập kỉ vừa qua.
Cuốn sách này là kết quả của Sáng kiến Đổi mới Giáo dục Toàn cầu (Global Education Innovation Initiative), một dự án hợp tác nghiên cứu ứng dụng nhằm mở rộng tri thức và hiểu biết để thúc đẩy việc cải thiện nền giáo dục công với mục đích trang bị cho tất cả học sinh đầy đủ năng lực cần thiết để gia nhập và đóng góp vào một thế giới chung đang thay đổi vô cùng nhanh chóng. Tiền đề căn bản của dự án dựa trên việc chúng ta có thể nhanh chóng lan toả những ý tưởng và mục tiêu chung nhằm nâng cao chất lượng giáo dục thông qua hợp tác xuyên biên giới để chia sẻ kiến thức dựa trên nghiên cứu và những hiểu biết có được từ ứng dụng thực tiễn.
Đại dịch Covid-19 lan rộng khiến cho nhiều thách thức mà xã hội toàn cầu vốn đã phải đối mặt từ trước trở nên nghiêm trọng hơn như các vấn đề đói nghèo, bất bình đẳng, biến đổi khí hậu. Do đó, yêu cầu các cơ sở giáo dục phải cấp thiết đáp ứng mục đích giúp tất cả học sinh phát triển các năng lực cần có để gây dựng một tương lai tốt đẹp hơn, một tương lai bền vững cho tất cả, đúng như tinh thần của các mục tiêu phát triển bền vững khởi xướng bởi Liên hợp Quốc.
Việc tìm hiểu cũng như chia sẻ rộng rãi những nỗ lực, chính sách, chương trình và thực tiễn về các hệ thống giáo dục cùng các nhà lãnh đạo tham gia là trọng tâm của Sáng kiến Đổi mới Giáo dục Toàn cầu. Cuốn sách này là một minh chứng của mục tiêu đó. Chúng tôi hy vọng rằng đây sẽ là nguồn cảm hứng cho nhiều cuộc đối thoại giữa các tổ chức, cá nhân liên quan nắm vai trò chủ chốt, những người cần phát triển tầm nhìn chung trong việc cải thiện văn hoá giáo dục.
Công trình này cũng dựa trên khẳng định rằng công cuộc đổi mới giáo dục đầy thách thức đòi hỏi việc phổ biến rộng rãi một góc nhìn khác ít phổ biến hơn so với quan điểm của công chúng: góc nhìn và những đúc rút từ các nhà lãnh đạo đã và đang triển khai những cuộc cải cách đầy khó khăn. Thay đổi để giáo dục trở nên có ý nghĩa hơn là một “bài toán hại não” mà không tồn tại một lời giải đơn giản nào. Do đó, điều quan trọng là phải tăng cường học hỏi càng nhiều càng tốt từ những người đã từng có kinh nghiệm thực tiễn đối mặt với những nhiệm vụ tương tự. Tôi rất cảm kích rằng các tác giả của những suy nghĩ, phản ánh trong cuốn sách này đồng ý công khai chia sẻ những hiểu biết họ thu được trong quá trình triển khai những cải cách tương tự. Mục tiêu của chúng tôi là thúc đẩy những cuộc đối thoại sâu hơn trên toàn thế giới về việc làm thế nào phát triển và duy trì những nỗ lực đổi mới và cải tổ giáo dục một cách mạnh mẽ.
Chúng tôi hy vọng rằng phiên bản tiếng Việt của cuốn sách sẽ đóng góp vào những tranh luận hiện nay tại Việt Nam về việc làm thế nào giúp cho tất cả mọi học sinh có được sự chuẩn bị kĩ lưỡng hơn để có thể gây dựng một tương lai tốt đẹp, cũng như mong chờ và dõi theo những nỗ lực tiêu biểu sẽ được thực thi ở Việt Nam nhằm thay đổi văn hoá giáo dục, sao cho mọi học sinh đều được trang bị những kỹ năng cần thiết, kiến tạo nên một ngày mai tươi sáng hơn.
GS. Fernando M. Reimers
Đại học Harvard. Tháng Tư năm 2021.
Sách Khai Minh trân trọng giới thiệu.
Nội dung tùy chỉnh viết ở đây