1. Đường Xa Nghĩ Về Giáo Dục Việt Nam
Cuốn sách nhỏ này là sự tập hợp những bài báo tôi công bố từ cuối năm 2017 tới nay. Có những bài được viết ra là để giải thích thêm hoặc trả lời các câu hỏi mà bạn đọc gửi đến sau khi họ đọc hai cuốn sách trên.
Trong khi quan sát hiện trạng giáo dục, lần tìm lại lịch sử nước nhà, so sánh với giáo dục Nhật Bản và tư duy về triết lý giáo dục, tôi đã nhìn nhận giáo dục như là một hoạt động rộng lớn với nhiều thực thể tham gia, được tiến hành trong cả ba không gian có mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhau: gia đình - nhà trường - xã hội. Từ việc phân tích các sự kiện giáo dục ở hiện tại, so sánh các sự kiện giáo dục trong lịch sử, tôi đưa ra những kiến giải và những tư tưởng của riêng mình.
Trong cuốn sách này, các bài viết sẽ được sắp xếp thành ba phần:
Phần 1: Giáo viên, chương trình và sách giáo khoa
Phần 2: Văn hóa trường học
Phần 3: Giáo dục đời sống
Cách sắp xếp như trên chỉ có tính chất tương đối, chủ yếu để độc giả tiện theo dõi vì nhiều bài có nội dung chạm đến cả ba chủ thể, có thể xếp vào phần nào cũng được.
Sẽ có những độc giả khó tính nhận ra có sự rời rạc, thiếu liền mạch nhất quán trong kết cấu. Điều đó dễ hiểu vì mục tiêu ban đầu của tôi ban đầu khi viết không phải để in thành sách, nó đơn giản chỉ là những quan sát, suy ngẫm, ý tưởng về giáo dục tôi thu nhặt được trong quá trình hoạt động ở lĩnh vực văn hóa và giáo dục.
Lẽ tất nhiên, tôi không thể nào thỏa mãn với những kết quả nhỏ nhoi đó, sẽ có lúc tôi cần trình ra trước bạn đọc những chuyên khảo dày dặn và có hệ thống, ở đó mỗi một kết quả hay ý tưởng đã được công bố của tôi sẽ được đào sâu và xem xét từ nhiều khía cạnh. Để đi đến đó còn cả một quãng đường xa. Tôi tự biết bản thân phải tự nỗ lực không ngừng ở những việc nhỏ cần mẫn hàng ngày.
2. Đi Tìm Triết Lý Giáo Dục Việt Nam
"Đi tìm triết lý giáo dục Việt Nam" có thể coi là sự tiếp nối của " Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản" (NXB Phụ nữ, 2016).
"Đi tìm triết lý giáo dục Việt Nam" là tập hợp những bài viết của tôi về giáo dục Việt Nam và những vấn đề liên quan đến giáo dục trong khoảng thời gian từ tháng 4 năm 2014 đến nay. Phần lớn trong khoảng thời gian đó tôi học ở Nhật Bản. Khoảng cách về địa lý khiến tôi gặp khó khăn trong việc tiếp cận, quan sát trực tiếp hiện trường giáo dục Việt Nam, nhưng nó cũng đem lại cho tôi một lợi thế: tôi có thể quan sát và suy ngẫm về giáo dục nước nhà từ bên ngoài, bằng con mắt của " người ngoài cuộc" và tư duy so sánh.
Những bài viết về giáo dục Việt Nam trong cuốn sách này là kết quả của cái nhìn và suy ngẫm ấy.
Cho dù chúng được viết ra ở nhiều thời điểm khác nhau, có những bài được viết theo dòng thời sự, nhưng xét cho cùng, ở tất cả những bài viết ấy, khi phân tích và lý giải nguyên nhân của khùng hoảng giáo dục và gợi ý cách thức cải cách của tôi đều hồi quy chúng về môt điểm là " triết lý giáo dục". Nói cách khác " triết lý giái dục" đã trở thành "cơ cấu" quan trọng số một và chủ yếu để tôi sử dụng khi phân tích và lý giải các vấn đề của giáo dục Việt Nam.
Trong quá trình tìm hiểu về giáo dục của Nhật Bản, sự hiện diện của "thuật ngữ triết lý giáo dục" trong các văn bản pháp luật liên quan đến giáo dục như " luật giáo dục cơ bản( công bố năm 1947, sửa đổi năm 2006) và sự phổ biến của nó trong xã hội Nhật Bản đã giúp tôi củng cố niềm tin khi sử dụng "cơ cấu" ấy.
Tất nhiên, do cuốn sách là sự tập hợp của các bài viết được công bố trong nhiều thời điểm khác nhau với nội dung trải rộng , cho nên nó sẽ không tránh khỏi sự lỏng lẻo về cấu trúc và khi đọc nó, bạn đọc sẽ có cảm giác không liền mạch hoặc tản mạn. Sự phân chia nội dung cuốn sách thành ba phần vì thế cũng chỉ mang tính chất tương đối.
Những bạn đọc tâm huyết với giáo dục chắc chắn sẽ đòi hỏi tác giả có sự khảo cứu sâu hơn, hệ thống hơn về "triết lý giáo dục" của Việt Nam trong tương quan so sánh với các nước trong khu vực và thế giới. Đấy là một đòi hỏi hợp lí. Hi vọng trong tương lai, tôi sẽ có dịp trình bày về nội dung này trong 1 cuốn sách mới với tư cách là một công trình nghiên cứu hệ thống hơn.
Cho dù chưa thể thỏa mãn với những gì được trình bày trong cuốn sách này, tôi vẫn tha thiết hi vọng " Đi tìm triết lý giáo dục Việt Nam" sẽ đem lại cho bạn đọc những thông tin hữu ích hoặc gợi ra ở các bạn những suy ngẫm về giáo dục nước nhà.
Hà Nội, tháng 9/2017