MICHEL FOUCAULT - NGƯỜI ĐẶT NỀN TẢNG CHO LÝ THUYẾT PHÂN TÍCH DIỄN NGÔN

Đăng bởi Libero 15/07/2022
MICHEL FOUCAULT - NGƯỜI ĐẶT NỀN TẢNG CHO LÝ THUYẾT PHÂN TÍCH DIỄN NGÔN

Bài: Nguyễn Vương Tuấn

Có thể nói rằng Michel Foucault đã đóng vai trò nền tảng trong tiến trình phát triển lý thuyết phân tích diễn ngôn. Thông qua các nghiên cứu lý thuyết lẫn thực nghiệm, lý thuyết phân tích diễn ngôn mà Foucault khởi xướng đã thường xuyên được trích dẫn, liên hệ, nhận định và thậm chí là phê bình. Những đóng góp của Foucault cho lĩnh vực lý thuyết phân tích diễn ngôn là không thể phủ nhận vì các phương pháp tiếp cận của những nhà hậu cấu trúc và hậu Marxist đều bắt nguồn từ ý tưởng của Foucault, nhưng đồng thời chính những môn đệ của ông như Laclau và Mouffe cũng bác bỏ một vài ý tưởng trong lý thuyết của ông.

Theo các nhận định phổ biến hiện nay, các công trình của Foucault thường được phân chia thành hai giai đoạn "khảo cổ" ban đầu và giai đoạn "phả hệ" về sau. Tuy vậy, hai giai đoạn này có sự thống nhất hữu cơ với nhau thể hiện qua việc Foucault sử dụng các công cụ từ phân tích khảo cổ trong các tác phẩm thuộc giai đoạn sau của ông. Lý thuyết diễn ngôn của Foucault là một nội dung trong giai đoạn khảo cổ của ông. Những gì ông quan tâm khi nghiên cứu về mặt khảo cổ là các quy tắc xác định những tuyên bố nào được chấp nhận là có ý nghĩa và có tính đúng đắn trong một thời đại lịch sử cụ thể. Foucault định nghĩa một diễn ngôn như sau:

"Chúng ta sẽ xem diễn ngôn là một nhóm các phát biểu khi chúng thuộc cùng một hệ thống suy lý… Diễn ngôn được cấu thành từ một số lượng giới hạn các phát biểu được xác lập theo một nhóm các điều kiện để nó có thể tồn tại. Theo nghĩa này, diễn ngôn không phải là một hình thái lý tưởng, vượt thời gian […] mà từ đầu đến cuối, nó là lịch sử, hay một phân mảnh của lịch sử, mà tự nó đặt ra những giới hạn của riêng nó, những sự phân tách, những sự biến đổi của chính nó, hay những phương thức cụ thể cho tính tạm thời của nó." [1, 117]

Foucault nhất quán với tiền đề về kiến tạo xã hội phổ quát rằng tri thức không chỉ là sự phản ánh tính thực tiễn (reality). Cái được gọi là "chân lý" (truth) là một cấu trúc thuần lý, và một "chân lý" được xác định là đúng hay sai dựa vào các chế độ tri thức (knowledge regime) khác nhau. Mục đích trong lý thuyết diễn ngôn của Foucault là xem xét cấu trúc của các chế độ tri thức khác nhau - tức là các quy tắc quyết định những gì là có thể và không thể được phát ngôn, cũng như xác định các quy tắc cho những gì được coi là đúng và sai. Mặc dù về mặt nguyên tắc, chúng ta có vô số cách thức để hình thành nên một phát biểu, nhưng các phát biểu được tạo ra trong một "miền đặc thù" (specific domain, sau này Laclau đã phát triển khái niệm này) khá tương đồng và lặp đi lặp lại. Có vô số phát biểu sẽ không bao giờ được phát ngôn cũng như không bao giờ được chấp nhận là có ý nghĩa. Theo Foucault, các quy tắc có tính lịch sử của một diễn ngôn cụ thể sẽ phân định những gì có thể được phát ngôn hoặc không.

Phần lớn các lý thuyết phân tích diễn ngôn về sau đều dựa trên quan điểm của Foucault rằng các diễn ngôn là một tập hợp các phát biểu tương đối có quy tắc, và các phát biểu này áp đặt các giới hạn đối với những gì được xem là mang lại ý nghĩa. Và các phát biểu này được kiến tạo dựa trên những ý tưởng của ông về "chân lý" như là một cái gì đó, ít nhất là xét trên tổng thể, được tạo ra một cách rời rạc. Tuy nhiên, tất cả các lý thuyết diễn ngôn đương đại đều khác với khuynh hướng của Foucault là không cho rằng chỉ tồn tại một chế độ tri thức thống trị trong từng giai đoạn lịch sử, thay vào đó, các diễn ngôn song hành trong một bối cảnh tổng thể khá mâu thuẫn và luôn tranh chấp không ngừng để đoạt lấy quyền xác lập "chân lý".

Trong các công trình thuộc giai đoạn phả hệ của mình, Foucault đã phát triển một lý thuyết về quyền lực/tri thức. Thay vì xem các chủ thể và cấu trúc là những chủ đề cốt lõi như các nhà tư tưởng trước đây, Foucault tập trung vào quyền lực. Cũng giống như diễn ngôn, quyền lực không thuộc về các chủ thể cụ thể như cá nhân hoặc nhà nước hoặc các nhóm lợi ích cụ thể; đúng hơn, quyền lực được lan tỏa trên các thực tiễn xã hội khác nhau. Quyền lực không nên được hiểu là áp chế theo kiểu độc đoán mà là áp chế bằng cách sản sinh, nghĩa là năng lực định đoạt việc kiến tạo một loại diễn ngôn, tri thức và tính chủ thể:

"Điều khiến quyền lực được duy trì vững chãi, điều khiến nó được chấp nhận, đơn giản là vì trên thực tế nó không chỉ đè nén chúng ta như là một thế lực buộc chúng ta không được phát ngôn, mà nó lướt ngang qua chúng ta và tạo ra mọi thứ; nó tạo ra niềm vui, hình thành nên tri thức, tạo ra diễn ngôn. Cần phải xem nó như một mạng lưới hiệu quả lan tỏa xuyên suốt toàn bộ cơ thể của một xã hội thay vì là một sự ngăn trở tiêu cực mang chức năng đàn áp." [2, 119]

Do đó, quyền lực cung cấp các điều kiện khả dĩ cho xã hội. Quyền lực tạo ra thế giới xã hội (social world) của chúng ta và tách biệt các chủ thể với nhau và từ đó hình thành các đặc điểm và mối quan hệ giữa các khách thể. Ví dụ: "tội phạm" được tạo ra như một lĩnh vực có các tổ chức riêng (ví dụ: nhà tù), các chủ thể đặc thù (như "tội phạm") và các thực hành cụ thể (như "tái xã hội hóa", resocialisation). Và quyền lực luôn gắn liền với tri thức - quyền lực và tri thức thường tuần tự giả định lẫn nhau. Ví dụ, thật khó để tưởng tượng một hệ thống nhà tù hiện đại mà lại không có tội phạm.

Đối với tri thức, sự kết hợp giữa quyền lực và tri thức của Foucault dẫn đến hệ quả là quyền lực được kết nối chặt chẽ với diễn ngôn. Các diễn ngôn tập trung vào việc tạo ra các chủ thể, nghĩa là cái mà chúng ta là, và các khách thể mà chúng ta có thể nhận biết (bao gồm cả bản thân chúng ta với tư cách là chủ thể). Việc vận dụng hướng tiếp cận này đã đem đến câu hỏi nền tảng cho lý thuyết phân tích diễn ngôn về sau: thế giới xã hội (social world), bao gồm các chủ thể và các khách thể của nó, được cấu thành như thế nào trong các diễn ngôn?

Khái niệm quyền lực/tri thức của Foucault cũng dẫn tới những hệ quả đối với quan niệm của ông về "chân lý". Foucault tuyên bố rằng không thể tiếp cận chân lý phổ quát vì chúng ta không thể phát ngôn từ một vị thế nằm bên ngoài phạm vi của một diễn ngôn, nghĩa là chúng ta không thể thoát khỏi phát ngôn mà chúng ta đại diện cho nó, từ đó kéo theo những "hệ quả của chân lý" (truth effect) ngay trong chính phạm vi diễn ngôn. Trong các công trình thuộc giai đoạn khảo cổ của Foucault, "chân lý" được hiểu là một hệ thống các thủ tục để tạo ra, điều chỉnh và lan truyền các phát biểu. Trong giai đoạn phả hệ, Foucault chú ý đến mối liên hệ giữa "chân lý" và quyền lực, lập luận rằng "chân lý" được nối kết với và được tạo ra bởi các hệ thống quyền lực. Và bởi vì không thể đạt được một chân lý phổ quát nên sẽ luôn không thu được gì nếu bạn cứ đặt ra câu hỏi "điều gì đó là đúng hay sai". Thay vì vậy, chúng ta nên tập trung vào cách thức tạo ra các hệ quả của chân lý trong các diễn ngôn. Những gì cần được phân tích là các quá trình diễn ngôn mà thông qua đó các diễn ngôn được xây dựng theo những cách tạo ấn tượng rằng chúng đại diện cho những phác thảo tổng thể đúng hoặc sai theo một nhận thức chủ quan về thực tế.

Từ quan điểm này, Foucault cho rằng những thứ như "chân lý", chủ thể và mối quan hệ giữa các chủ thể được "kiến tạo" trong diễn ngôn, và không thể nào xuất hiện một loại "chân lý" nào đó "đúng hơn" nếu xét trong phạm vi diễn ngôn. Do đó, theo Foucault, cái được gọi là "hệ tư tưởng" (ideology) chỉ là một ảo vọng. Lý thuyết diễn ngôn của Laclau và Mouffe đã chấp nhận lập trường này, kể cả quan niệm về sự trống rỗng của hệ tư tưởng. Tuy vậy, một khuynh hướng khác khởi đi từ Fairclough không bác bỏ hoàn toàn truyền thống cho rằng luôn phải có phương pháp luận cố định trong lý thuyết phân tích diễn ngôn. Những khuynh hướng sau Foucault đều có điểm chung là tuân thủ quan điểm của Foucault về quyền lực, coi quyền lực là những hệ quả chứ không phải là sự áp đặt thuần túy, họ cũng coi trọng các mô hình thống trị, theo đó một nhóm xã hội này phụ thuộc vào nhóm khác. Và trong phân tích diễn ngôn phê phán của Fairclough môt ý niệm nền tảng của Foucault tiếp tục được triển khai, đó là có thể phân biệt giữa các diễn ngôn mang tính ý thức hệ và những diễn ngôn không mang tính ý thức hệ, từ đó vẫn chừa lối thoát cho vấn đề về hệ tư tưởng.

 

Tìm hiểu thêm về M. FOUCAULT

-----

TLTK:

1. Foucault, M. (1972). The Archaeology of Knowledge. London: Routledge.

2. Foucault, M. (1980) ‘Truth and Power’, in C. Gordon (ed.) Power/Knowledge. Selected Interviews and Other Writings 1972 –1977. Hemel Hempstead: Harvester Wheatsheaf.

Gửi bình luận
Chất lượng hàng đầu
Chất lượng hàng đầu

Cam kết tất cả sản phẩm chính hãng 100%

Giao hàng siêu nhanh
Giao hàng siêu nhanh

Chúng tôi cam kết giao hàng trong 24h

Mua hàng tiết kiệm
Mua hàng tiết kiệm

Giảm giá & khuyến mãi với ưu đãi cực lớn

Hỗ trợ online 24/7
Hỗ trợ online 24/7

Gọi ngay 0985.369.023 để được tư vấn

Gọi cho chúng tôi
Chat với chúng tôi qua Zalo
Xem địa chỉ doanh nghiệp