BỘ SÁCH TÂY NGUYÊN
1. Rừng, Đàn bà, Điên loạn – Jacques Dournes
Tác giả dẫn người đọc vào một hành trình thật tập trung: cuộc du ngoạn vào “miền mơ tưởng Giarai”, đi qua hàng trăm huyền thoại của họ; và ông nói rõ với người đọc rằng, ở đây “không phải là những huyền thoại tầm nguyên”, tức những huyền thoại về nguồn gốc của con người, giống loài người, hay của dân tộc, mà là những huyền thoại về cái hiện tại, là những mộng mị của những con người đang sống hôm nay, đang hằng ngày sống một cuộc sống kép, vừa “trải nghiệm” lại vừa mộng mị “đồng thời”, đang hàng ngày “tiếp tục sáng tạo ra huyền thoại”.
2. Người Ê Đê: Một xã hội mẫu quyền – Anne de Hauteclocque-Howe
Là một công trình nghiên cứu dân tộc học được nhà nghiên cứu Anne de Hauteclocque thực hiện vào năm 1962 về thiết chế xã hội của người Ê Đê, đặc biệt nhấn mạnh vào lý giải sự ràng buộc giữa các thành phần dân cư trong một xã hội “mẫu quyền”. Công trình của bà gây dấu ấn tiêu biểu ở khía cạnh thực địa, điều tra và thống kê, cũng như tham khảo kỹ lưỡng các hồ sơ luật tục, để từ các dẫn liệu thực tế tái dựng lại mô hình thiết chế sự hình thành các mối quan hệ nội tại thuộc xã hội mẫu quyền của người Ê Đê ở Đắc Lắk.
3. Pötao, một lý thuyết về quyền lực ở người Jörai Đông Dương – Jacques Dournes (286,000 vnđ)
Sau gần 15 năm tập trung nghiên cứu về Pötao và xã hội Giarai, J. Dournes đã giúp người đọc tường minh về Pötao, từ Huyền thoại cho đến Lịch sử, vốn là thách thức lớn đối với những nhà nghiên cứu trước ông. Bằng sự kết hợp phương pháp luận sử học, văn học dân gian và nhân học cấu trúc, J. Dournes đã giải quyết thấu đáo các vấn đề Pötao Giarai, độc giả sẽ phải bóc tách từng lớp của “vòng tròn đồng tâm” (hay “xếp củ hành”) để hiểu rõ chúng, một công việc hấp dẫn nhưng cũng không kém phần thách thức.
4. Tập Vũ Man Tạp Lục Thư – Ôn Khê Nguyễn Tấn (199,000 vnđ)
“Vũ Man Tạp Lục Thư” là cả một công trình nghiên cứu công phu lịch sử người Thượng nói chung, về người Thượng ở Quảng Ngãi, về việc bình người Thượng của triều Nguyễn.” Linh mục Phanxicô-Xavie Nguyễn Phương. “Vũ man tạp lục thư” được Ôn Khê Nguyễn Tấn viết vào năm 1871 khi ông giữ chức vụ Tĩnh Man Tiễu phủ sứ lo việc bình định vùng người Thượng ở Quảng Ngãi. Tập sách được in và phát hành vào năm Thành Thái thứ mười (1898). Tên sách “Vũ man tạp lục thư” nghĩa là những ghi chép công cuộc đánh dẹp người man. Đây là một tài liệu có thể xem là đầu tiên viết về dân tộc thiểu số một cách có hệ thống.
5. Tọa Độ – Jacques Dournes (229.000 vnđ)
Ra đời năm 1972, ngay khi tác giả Jacques Dournes còn đang thực địa trong chính những bản làng của người Jörai Tây Nguyên, sống cùng người bản xứ, lắng nghe những câu chuyện của họ, trò chuyện và ghi chép, nghiền ngẫm và sắp xếp mọi dấu hiệu để tìm kiếm ý nghĩa trong các trật tự hiện hữu, rồi kết nối với tự nhiên… tất cả trong bầu không khí đậm chất Jörai nói riêng và Tây Nguyên nói chung, Tọa độ: Cấu trúc gia đình và xã hội của người Jörai chính là một trong những tác phẩm vô cùng quan trọng về con người và vùng đất Tây Nguyên.
Với lối nghiên cứu đi sâu sát vào thực tế vùng đất và đời sống con người, từ những hoạt động hằng ngày đến các nghi lễ quan trọng, và sự chú trọng dành cho các phương pháp lịch đại và ghi chép… Để tạo ra Tọa độ, Jacques Dournes dùng cách dẫn thuật chi tiết đi từ các truyền thuyết, lưu ý chúng ta những chi tiết trong các câu chuyện truyền miệng đó, để rồi đối sánh chúng với các “dấu hiệu” hay chỉ dấu trong thực tế và tự nhiên đang diễn ra trong đời sống, từ đó mà tìm những mối nối, phân tách rồi giải nghĩa… Qua đó, ông đưa ra các lưu ý và kết luận về cấu trúc gia đình và xã hội Jörai, như bản chất “mẫu hệ” trong gia đình và xã hội của người Jörai (rằng nó khác với “mẫu quyền” ở phương Tây ra sao), chỉ ra mối quan hệ đối ứng giữa đàn bà và đàn ông Jörai, mối liên kết giữa con người xứ này với chính tự nhiên, v.v.
6. Chúng Tôi Ăn Rừng – Đá‑Thần Gôo – Georges Condominas (249,000 vnđ)
Ở Sar Luk, “Chúng tôi đã ăn rừng Đá‑Thần Gôo” là cách nói để chỉ năm 1949, hay chính xác hơn, năm trồng trọt kéo dài từ cuối tháng 11 năm 1948 đến đầu tháng 12 năm 1949. Trong cuốn sách này, chúng tôi dự định mô tả những sự việc diễn ra tại Sar Luk trong chu kỳ nông nghiệp ấy. Mặc dù chương đầu tiên đề cập đến những sự kiện diễn ra vào một tháng cuối năm Dương lịch trước, nhưng điều đó không trái với cảm quan của người Mnông về thời gian, vì cảm quan ấy được quy định bởi diễn biến liên tục của công việc và ngày tháng của họ. Khác với chúng ta, những “Người của rừng” không bị sự hiện diện mạnh mẽ của các con số ám ảnh.
Cuốn sách về một cộng đồng Mnông Gar này chủ yếu là một sưu tập những tư liệu thô thu nhặt được và rút ra từ các sổ tay ghi chép của chúng tôi trong thời gian sống tại Sar Luk. Trước khi dựng lên một mô hình về cấu trúc xã hội Mnông, chúng tôi thấy cần trình bày những khía cạnh khác nhau trong đời sống của nhóm người này bằng những thí dụ cụ thể rút ra từ thực tế hằng ngày. Chẳng hạn, ở đây chúng tôi không đưa ra một lễ Tâm Bôh Mnông Gar lý thuyết, mà trình bày một Lễ Trao đổi hiến sinh trâu cụ thể có ngày tháng và được đặt lại trong bối cảnh cuộc sống thường ngày – cuộc trao đổi giữa Baap Can và Ndêh: tức có phong phú thêm những chi tiết nằm ngoài chủ đề chính. Tương tự, chúng tôi không phác thảo một lược đồ hôn nhân điển hình của người Mnông Gar, mà kể lại đám cưới của Srae và Jaang đã diễn ra như thế nào, với mọi tình tiết cụ thể.