Giới thiệu sách Quản Trị Bằng Văn Hóa - Cách Thức Kiến Tạo & Tái Tạo Văn Hóa Tổ Chức (Bìa Cứng)
“QUẢN TRỊ BẰNG VĂN HÓA - Cách thức Kiến tạo & Tái tạo Văn hóa Tổ chức” là cuốn sách do Tiến sĩ Giản Tư Trung dày công đúc kết và hoàn thiện trong suốt nhiều năm, vừa tổng hợp kiến thức từ nhiều nguồn tư liệu, vừa chia sẻ những khái niệm, triết lý, mô hình và phương pháp từ góc nhìn rất riêng của tác giả về văn hóa và văn hóa doanh nghiệp, cũng như về cách thức xây dựng và chuyển đổi văn hóa tổ chức.
Thông qua cuốn sách, Tiến sĩ Giản Tư Trung cũng mong muốn góp phần cổ vũ và thúc đẩy cho sự phát triển của một phương cách quản trị mới, vừa nhân văn, vừa hiệu quả, đó là “Quản trị bằng Văn hóa / Quản trị bằng Tự trị” (Management by Culture / Management by Self-Mangement).
Bởi lẽ tác giả tin rằng, bên cạnh các phương cách quản trị truyền thống như Quản trị bằng Luật lệ (Mangement by Polices) hay Quản trị bằng Mục tiêu (Management by Objectives) thì Quản trị bằng Văn hóa (Management by Culture) chính là tương lai của quản trị và tương lai của lãnh đạo trong một thế giới đầy biến động và trong một thời đại mà con người ngày càng trở nên độc lập và tự do hơn.
Cuốn sách này có sự tích hợp xuyên suốt từ tinh thần, tư tưởng và triết lý cho đến phương pháp và giải pháp, cũng như sự kết nối 5 chủ thể văn hóa là cá nhân, bộ phận, tổ chức, kinh thương, quốc gia, và nội dung cuốn sách được chia làm 03 phần chính như sau:
- Phần 1 - Tư tưởng kinh doanh & Chiến lược đột phá: Ta không thể bàn về văn hóa doanh nghiệp mà trước hết không bàn về tư tưởng kinh doanh của những nhà sáng lập và những người lãnh đạo của doanh nghiệp, bởi đó chính là thứ làm nên nền tảng và chi phối văn hóa tổ chức. Trong phần này, ta sẽ tìm hiểu về tư tưởng nói chung và tư tưởng kinh doanh nói riêng, nhằm góp phần giúp các cấp lãnh đạo đưa ra những “chiến lược đột phá” cho sự phát triển vững mạnh của doanh nghiêp.
- Phần 2 - Văn hóa doanh nghiệp & Phương pháp quản trị: Dựa trên nền tảng của tư tưởng kinh doanh và chiến lược đột phá, ta sẽ tìm hiểu về văn hóa, văn hóa doanh nghiệp và vai trò của nó, cũng như những triết lý, phương pháp và giải pháp để kiến tạo văn hóa cho cá nhân, đội ngũ và tổ chức. Đồng thời, biết cách biến văn hóa doanh nghiệp vừa là một công cụ quản trị hiệu quả, vừa là đích đến nhân văn của quản trị.
- Phần 3 - Văn hóa doanh nghiệp & Văn hóa kinh thương: Cuối cùng, sẽ thật thiếu sót nếu ta nói về văn hóa doanh nghiệp mà không bàn về văn hóa kinh thương của quốc gia, bởi mỗi doanh nghiệp không chỉ là nhân tố thụ hưởng (hay bị ảnh hưởng) bởi văn hóa kinh thương, mà còn là chủ thể góp phần kiến tạo nên nền văn hóa kinh thương của quốc gia mình. Trong phần này, ta sẽ nhìn lại văn hóa kinh thương của Việt Nam xưa và nay với những điểm tốt đẹp và những điểm hạn chế, nhìn ra văn hóa kinh thương của một vài quốc gia chọn lọc như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Israel, UEA/Dubai…, và từ đó nghĩ về văn hóa kinh thương Việt Nam trong tương lai đặt trong tầm nhìn phát triển lâu dài của quốc gia.
Đặc biệt, các khái niệm, triết lý, mô hình và phương pháp của tác giả trong cuốn sách này cũng đã được các nhóm giảng viên của Trường Doanh Nhân PACE, cũng như các nhóm chuyên gia tư vấn của FranklinCovey Việt Nam và PACE Consulting sử dụng để đào tạo (training) & tư vấn (consulting) về Văn hóa Doanh nghiệp (Corporate Culture) & Chuyển đổi Văn hóa (Culture Transformation) cho nhiều doanh nghiệp, tập đoàn trên khắp cả nước trong suốt hơn hai thập kỷ qua.
Hơn thế nữa, những tư duy và phương pháp cốt lõi về xây dựng và chuyển đổi văn hóa được chia sẻ trong cuốn sách này có tính nguyên lý, nên không chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp, mà còn có thể áp dụng cho mọi loại hình tổ chức khác, bao gồm cả trường học, bệnh viện, báo chí, các tổ chức xã hội, cơ quan nhà nước, hay các tổ chức phi chính phủ.