Ocean Vuong sinh năm 1988 ở Việt Nam và hai năm sau cùng gia đình di cư đến Hartfort, Connecticut. Ở tuổi 11, anh trở thành người đầu tiên trong gia đình biết đọc và viết. Tuyển tập thơ tên Trời đêm những vết thương xuyên thấu (Night sky with exit wounds) phát hành năm 2016 đã đem về cho anh giải T. S. Eliot. Năm 2019, Vuong cho ra mắt tiểu thuyết đầu tay, Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian (On earth we’re briefly gorgeous). Cuốn tiểu thuyết đậm chất tự truyện này được kể dưới hình thức một lá thư do nhân vật chính, cũng là một nhà thơ thành danh, viết cho người mẹ không biết đọc của mình. Trong đó, anh kể lại cuộc sống của một cậu bé châu Á trên đất Mỹ, những cảm xúc cũng như trải nghiệm tình dục đầu đời của một thiếu niên đồng tính, các mẩu hồi ức đầy ám ảnh về chiến tranh Việt Nam truyền lại từ bà ngoại và mẹ, xen lẫn là những suy ngẫm về vẻ đẹp của cuộc đời.
Tiểu thuyết đã được Nhã Nam mua bản quyền xuất bản.
Rồi con cho má biết sự thật.
Hôm đó là một ngày Chủ nhật xám xịt. Cả sáng trời cứ muốn mưa lớn. Kiểu ngày mà con đã hy vọng là mối liên kết giữa hai con người có thể được quyết định dễ dàng – khi thời tiết ảm đạm tới mức hai chúng ta, má và con, sẽ nhìn nhau nhẹ nhõm, thấy một gương mặt thân quen đã trở nên lung linh hơn là ta vẫn nhớ trên nền ánh ngày lạnh lẽo.
Trong quán Dunkin’ Donuts sáng trưng, giữa má con mình là hai cốc cà phê đen bốc khói. Má đăm đăm nhìn ra cửa sổ. Mưa quất xuống đường lên những xe cộ đi về từ buổi lễ nhà thờ trên đường Main. “Dạo này dân tình thích đi mấy cái SUV kia dữ.” Má nhận xét đoàn xe đi qua quầy bán mang đi. “Ai cũng muốn ngồi càng cao càng tốt.” Má nhịp nhịp tay trên mặt bàn.
“Má lấy đường không?” con hỏi. “Hay lấy kem, à, hay má ăn donut không? Ủa mà, má thích bánh sừng trâu…”
“Con muốn nói gì thì nói đi Chó Con.” Giọng má lặng lẽ, nghèn nghẹn. Hơi nóng từ cốc cà phê làm vẻ mặt má thay đổi luôn.
“Con không thích con gái.”
Con không muốn xài cái chữ tiếng Việt pê đê – mượn từ tiếng Pháp pédé, viết tắt của pédéraste. Trước thời Pháp chiếm đóng, người Việt Nam mình không có chữ chỉ những cơ thể khác biệt – vì họ bị coi như mọi cơ thể, có thịt da và chung nguồn cội – và con không muốn giới thiệu phần này của con người con bằng cái tính ngữ dành cho tội phạm.
Má chớp mắt mấy cái.
“Con không thích con gái,” má lặp lại, lơ đãng gật đầu. Con có thể thấy những chữ đó đi qua má, ấn má sâu vào ghế. “Vậy chớ con thích gì? Con mới mười bảy tuổi đầu. Con không thích gì hết. Con không biết gì hết,” má nói, tay cào lên bàn.
“Con thích con trai,” con nói, cố giữ giọng bình tĩnh. Nhưng câu nói ngắc ngứ trong miệng. Cái ghế má ngồi cót két khi má chúi tới.
“Sô cô la! Con muốn sô cô la!” Một đám con nít mặc áo thun màu xanh ngọc thùng thình, vừa hái táo về – nhìn mấy túi giấy đựng đầy táo là biết, lao vào quán, tiếng rú rít hào hứng vang khắp quán.
“Con có thể đi, má à,” con đề nghị. “Nếu má không chấp nhận thì con có thể đi. Má sẽ không phải lo về con nữa và cũng không ai cần phải biết đâu… Má nói gì đi.” Trong cốc, bóng con lay động trên mặt nước đen sóng sánh. “Đi má.”
“Nói má nghe,” má nói đằng sau lòng bàn tay bụm lấy cằm, “giờ con sẽ bận đầm luôn phải không?”
“Má…”
“Tụi nó sẽ giết con,” má lắc đầu, “con biết mà.”
“Ai giết con?”
“Tụi nó giết mấy đứa bận đầm. Tin tức nói đầy. Con đâu biết con người ta thế nào. Con đâu biết tụi nó ra làm sao.”
“Con không có bận đầm đâu má. Con hứa. Nghe nè, trước giờ con có bận đầm đâu, ha? Giờ sao lại bận làm chi?”
Má nhìn vào hai cái hốc trên mặt con. “Con khỏi cần đi đâu hết. Có con với má thôi, Chó Con à. Má còn ai đâu.” Mắt má đỏ hoe.
Đám con nít đầu kia quán đang hát bài “Nông trang của Già MacDonald”, giọng tụi nó, niềm vui dễ có của tụi nó, sao mà xóc óc.
“Nói má,” má ngồi thẳng lên, vẻ lo âu trên mặt, “từ hồi nào vậy? Má đẻ ra một thằng con trai khỏe mạnh, bình thường mà. Cái đó má biết. Từ hồi nào?”
Hồi con sáu tuổi, học lớp một. Trường con học là nhà thờ phái Luther được cải tạo. Do khu nhà bếp sửa không bao giờ xong, nên bữa trưa luôn được phát ở phòng thể chất, vạch kẻ trên sân bóng rổ uốn cong dưới chân trong khi tụi con ngồi bên những bàn ăn tạm bợ: bàn học kê thành từng cụm. Mỗi ngày cấp dưỡng sẽ đẩy vào những thùng lớn đựng các suất ăn đông lạnh chỉ gồm một món: một cục nâu nâu đo đỏ trong một cái khay vuông trắng bọc màng bọc thực phẩm. Tụi con xếp hàng sau bốn lò vi sóng kêu o o suốt bữa trưa, chờ từng phần ăn một được hâm nóng rồi, keng một tiếng, bị đẩy ra, phồng rộp lên, bốc khói, vào đôi tay đợi sẵn của tụi con.
Con cầm cái khay cháo vuông ngồi xuống bên một cậu bé mặc áo thun có cổ vàng với mái tóc đen chải ngược ra sau. Cậu tên Gramoz và, về sau con được biết, gia đình cậu từ Albania đến Hartford sau khi Liên Xô sụp đổ. Nhưng hôm đó mấy chuyện đó chẳng quan trọng gì. Quan trọng là cậu không có cái khay vuông trắng đựng thứ cháo xám, mà lại có một túi đồ ăn trưa màu ngọc lam trơn láng có khóa dán, và cậu lấy ra một khay đựng mấy cái pizza mini, mỗi cái nhìn như một món trang sức quá khổ.
“Ăn không?” cậu nói tự nhiên, cắn một miếng.
Con ngại không dám đụng vào. Gramoz thấy vậy liền cầm tay con, ngửa lên, rồi để vào một cái bánh. Bánh nặng hơn con tưởng. Và không hiểu sao vẫn còn ấm. Sau đó, mỗi giờ giải lao, con theo Gramoz đi bất cứ đâu. Dưới cậu hai nấc trên xà đu, sát gót chân cậu đang leo lên cầu tuột màu vàng uốn tròn, đôi Keds trắng cậu mang chớp lên mỗi bước.
Để trả ơn cậu bé đã cho con cái pizza mini đầu tiên trong đời, còn cách nào ngoài trở thành cái bóng của cậu?
Vấn đề là, lúc đó, tiếng Anh của con gần như còn là số không. Con không thể nói chuyện với cậu. Và dù có thì biết nói gì đây? Con đang theo cậu tới đâu? Tới nơi nào? Có lẽ thứ con tìm kiếm không phải là điểm đến, mà chỉ là sự tiếp tục. Ở gần Gramoz là được ở lại trong phạm vi cử chỉ tốt bụng duy nhất của cậu, là được đi ngược thời gian, trở lại giờ trưa đó, với cái pizza nặng trên tay.
Một ngày, trên cầu tuột, hai má đỏ lựng, Gramoz quay lại hét lên, “Đừng có theo tao nữa, đồ điên! Mày bị gì vậy hả?” Không phải lời nói mà là đôi mắt cậu, nheo lại như thể đang nhắm bắn, khiến con hiểu ra.
Như một cái bóng bị cắt rời khỏi nguồn sáng, con dừng lại trên đầu cầu tuột, nhìn mái tóc bóng mượt chải gọn của cậu nhỏ dần xuôi đường ống trước khi biến vào giữa những tiếng cười trẻ con, mất hút.
Khi con tưởng thế là xong rồi, thế là con đã trút xong những thứ trong lòng rồi, thì má đẩy cốc cà phê qua bên, nói, “Giờ thì má có cái này muốn nói với con.”
Hàm con nghiến lại. Đây có phải là trao đổi qua lại đâu, có phải là một vụ giao dịch đâu. Con gật đầu, giả là mình rất muốn nghe, khi má nói.
“Con có một đứa anh.” Má vén tóc khỏi đôi mắt không chớp. “Nhưng nó chết rồi.”
Đám trẻ vẫn còn đó nhưng con không nghe thấy những tiếng nói lí nhí, chóng tàn ấy nữa.
Con nhận ra má con mình đang trao đổi sự thật, tức là đang làm tổn thương nhau.
“Nhìn má đây. Con phải biết chuyện này.” Má nghiêm mặt. Môi mím lại thành một đường tím.
Má kể tiếp. Má từng có một đứa con trai đang lớn lên trong mình, một đứa con trai má đã đặt tên, một cái tên má không chịu nói. Đứa con trai trong bụng má bắt đầu nhúc nhích, tay chân nó khuôn theo vòng bụng má. Và má hát và nói chuyện với nó, như sau này với con, kể cho nó nghe những bí mật ngay cả chồng má cũng không biết. Má khi đó mười bảy tuổi và còn ở Việt Nam, bằng tuổi con lúc này đang ngồi với má.
Hai bàn tay má giờ cụp lại giống như ống nhòm, như thể quá khứ là thứ cần phải săn lùng cho ra. Bàn bên dưới má ướt. Má lấy khăn giấy lau, rồi nói tiếp, về năm 1986, năm có anh con, con trai má. Về chuyện, bầu đến tháng thứ tư, khi khuôn mặt của đứa bé thành hình, thì chồng má, ba con, bị bên nội ép, bắt má phá thai.
“Không có gì ăn,” má nói tiếp, vẫn bụm cằm phía trên bàn. Một người cần tới nhà vệ sinh xin phép đi qua. Má nhích qua mà không nhìn lên. “Người ta phải độn mùn cưa vô cơm. Có chuột để mà ăn là mừng.”
Má chọn từng chữ cẩn thận, như thể câu chuyện là đốm lửa má nâng niu trước gió. Đám trẻ cuối cùng cũng đi – chỉ còn hai cụ ông cụ bà ngồi lại, hai nhúm tóc trắng lấp ló sau hai tờ báo.
“Không như anh con,” má nói, “con chỉ sinh ra khi ba má biết chắc là con sống được.”
Nội dung tùy chỉnh viết ở đây