Vì sao người tu cạo tóc? Ý nghĩa lễ lạy như thế nào? Vào chùa nên mặc gì, ý nghĩa trang phục của người tu? Vì sao mọi người đi chùa ngày Tết và hành hương mùa Xuân? Các ngày lễ ở chùa là gì? Đức Phật Tổ là ai? Đức Phật có thương gia đình, có hiếu với cha mẹ không? Các bức tượng trong chùa là ai? Tại sao lại có lễ giải oan?...
Hàng loạt câu hỏi của bé Nồ trong 10 tập Mẹ kể con nghe – Chuyện chùa Việt, hẳn cũng là những câu mà nhiều người, kể cả người lớn, muốn hỏi khi đi lễ chùa.
Thông qua câu chuyện bé Nồ cùng gia đình đi lễ chùa, vào chùa gặp Sư trụ trì và chú tiểu Tâm Tĩnh, bộ Mẹ kể con nghe – Chuyện chùa Việt lần lượt hé mở những kiến thức cơ bản về đạo Phật.
Ở tập 1, Vào chùa lễ Phật, bé Nồ bỡ ngỡ với những khái niệm lạ lẫm như chú tiểu mà lại là con gái, cách xưng hô trong nhà chùa, ý nghĩa của việc lễ lạ, và ý nghĩa của tình thương, kể cả với sinh vật nhỏ bé như con kiến bò dưới mặt đất…
“Sao bạn ấy là con gái mà mẹ lại gọi là chú, còn xưng con với chú ấy nữa?
À, người mới vào chùa tu được gọi là chú tiểu, dù là con trai hay con gái. Mẹ xưng con là vì mẹ tôn kính người đi tu đệ tử của Phật, họ làm được điều mà mình không làm được. Ví dụ như con đâu có chịu cạo tóc như chú ấy có phải không?”.
Giới thiệu tác giả:
Lời: Trăng Yên Tử (bút danh)
Tác phẩm đã xuất bản:
- Nhụy Kiều Tướng Quân – giải nhì cuộc thi sáng tác truyện tranh báo Khăn Quàng Đỏ.
- Nguyên phi Ỷ Lan (2007) – 2 tập, đạt giải nhì cuộc thi Biên soạn truyện tranh lịch sử của NXB Giáo Dục năm 2007.
“Trẻ em luôn tò mò trước thế giới… Người lớn thường quá bận rộn để thắc mắc những điều mình thường thấy. Chính vì vậy mà đôi khi nghe các bé hỏi, cha mẹ cũng ngạc nhiên. Nồ trong các tập truyện Chuyện Chùa Việt là một cô bé như thế. Nhờ Nồ mà người đọc bất ngờ khám phá bao điều thú vị và mới lạ mà mình chưa từng biết.
Ví dụ như: vì sao người tu cạo tóc; ý nghĩa lễ lạy như thế nào; vào chùa nên mặc gì, ý nghĩa trang phục của người tu; vì sao mọi người đi chùa ngày Tết và hành hương mùa Xuân; các ngày lễ ở chùa là gì; Đức Phật Tổ là ai, Đức Phật có thương gia đình, có hiếu với cha mẹ không; các bức tượng trong chùa là ai; tại sao lại có lễ giải oan, loài vật có tình thương không…
Thông qua đó, người đọc nhận ra một thế giới sống động và ý nghĩa ở phía sau cánh cổng nhà chùa. Nơi đó làm tâm hồn con người trở nên tươi mới và cao thượng hơn, bình an hơn.
Thực ra Phật giáo không hẳn là một tôn giáo, mà là một triết lý sống ăn sâu vào tâm thức dân tộc từ trước thời Hùng Vương, góp phần tạo nên nền văn hóa thủy chung, nhân hậu, cởi mở, vị tha… Nhiều danh nhân nước ta có đời sống tinh thần gắn với Phật giáo. Hai triều đại Lý Trần hào hùng có những ông vua thấm nhuần Phật pháp. Mong muốn của tác giả là giới thiệu văn hóa và đạo đức Phật giáo đến với trẻ em người Việt, để thế hệ tương lai được nuôi dưỡng bằng tinh hoa của ông cha, nhờ đó có được gốc rễ và bản lĩnh văn hóa, trở thành những người tài đức vẹn toàn, vững chãi trước cám dỗ của các trào lưu văn hóa độc hại và xô bồ”.