Thay Lời Tựa
Ngày cuối năm, khắp nơi rộn ràng lễ hội, núi vẫn bình lặng như một ngày bình thường. Bốn năm về lại núi, có được bốn đêm giao thừa tĩnh lặng không còn nhuốm những sắc màu lễ hội.
Những ngày cuối năm, con suối trước nhà chỉ còn lại vài vũng nước nhỏ. Con suối nhỏ bắt đầu khô, để nắng tháng Giêng hong khô lòng mình.
Trên những vệt đất vừa khô, lũ rau đắng đất bắt đầu mọc, lấm tấm xanh; và khi con suối vừa khô hẳn, lũ rau đắng đất tràn ra, xóa hết dấu vết con suối nhỏ. Tháng Giêng, núi có mùa rau đắng đất, loài cây rất lạ, chỉ bắt đầu mọc xanh khi cả đồng cỏ ngoài kia đã khô vàng và gục xuống.
Rau đắng đất rất đắng, và loài cây rất đắng đó cũng nở hoa - hoa nhỏ như đầu que diêm, màu trắng cũ, nên từ lúc nở đến lúc tàn vẫn không đổi sắc.
Tháng Giêng, có những cánh bướm tìm về, bay dọc triền suối. Lũ bướm rất nhỏ, đậu vừa vặn trên bông hoa nhỏ như đầu que diêm của rau đắng đất. Lũ bướm cũng có màu trắng cũ không phai như cánh hoa.
Tháng 6 mưa về lại núi, con suối nhỏ lại đầy nước, xóa hết dấu vết của mùa rau đắng đất tháng Giêng. Lũ bướm nhỏ cũng bỏ đi.
Trong cuộc sống, biết bao nhiêu câu chuyện đã được nói ra trong yên lặng.
Thời gian luôn cẩn thận mang đi hết mọi thứ trên con đường mình qua, rồi cẩn thận đem rong rêu gió bụi xóa sạch luôn từng dấu chân của nó.
Đem mùa Xuân về xóa hết mùa Đông, rồi lại đem mùa Thu về xóa hết dấu vết mùa Xuân mà mùa Hạ còn nặng lòng muốn giữ lại.
Thời gian cẩn thận gói ghém và mang hết theo mọi thứ. Nhưng khi đi ngang qua con người, thời gian luôn vô tình đánh rơi vào lòng họ một vài điều, nhưng chẳng bao giờ chịu dừng lại nhặt lấy mang theo, để trong lòng ai cũng có một vài điều mà thời gian đằng đẵng vẫn không thể quên.
Những lễ hội ồn ào của đêm cuối năm ngoài kia không vọng tới được, núi đêm cuối năm tĩnh lặng. Đốt một thỏi trầm, đọc trang kinh xưa; ngoài trời có tiếng vỗ cánh thật nhẹ của lũ chim ăn đêm rời núi, có tiếng lũ cỏ dại cuối mùa vàng úa kiệt sức lặng lẽ tựa vào nhau trong gió bấc, có tiếng hạt giống rau đắng đất trở mình nảy mầm giữa lòng suối khô.
Núi, ngày cuối năm.
Mục lục
Thay lời tựa
Lời kinh trong lòng bàn tay
Cuộc sống nhìn từ ô cửa Thiền:
Ngôi chùa nhỏ
Đám cưới
Hai cha con
Lân mặc quần đùi
Tạm biệt
Trái tim làm từ muối biển
Ngôi nhà nhỏ
Chữ trên nước
Thương
Rau lẻ
Hạt giống
Từ bi
Mandala Cát
A-lan-nhã
Mọc rễ
Chết
Người về
Trích
Từ bi cũng là ngọn lửa, nhưng là ngọn lửa duy nhất trên thế gian con người có thể cầm trên tay mà không bao giờ bị bỏng.
---
Con người, không ai có thể quay trở lại nơi đã ra đi, nhưng ai cũng sẽ còn gặp lại những điều đã từng thấy nhiều lần trong quá khứ, và điều quý giá nhất mà một người sau khi đã đi qua hết những ngày giá lạnh là cẩn thận trao lại một chút hơi ấm của mình cho ai đó bên cạnh, để họ cất vào lòng, mang theo; để chuẩn bị ngày mai bước chân qua những ngày rất lạnh của riêng họ.
---
Để được cháy lên ngọn nến phải trả giá bằng cả sinh mạng của nó. Không thể khác. Nếu sợ phải tàn, ngọn nến sẽ không cháy lên được một lần nào cả. Nếu mãi âu lo về cái chết, con người không thể yên tâm sống trọn vẹn được một ngày nào.
Cái chết như một điều khoản bắt buộc kèm theo mà con người đã thoả thuận với thời gian nếu muốn được bước qua cánh cửa sinh và nhận lấy cho mình một kiếp sống. Có sinh phải có diệt.
Ngày bước chân qua cánh cửa sinh để bắt đầu một kiếp sống mới, thì cũng chính là ngày con người bắt đầu bước chân vào cuộc hành trình chết đi của mình; chết đi mỗi ngày, như ngọn nến, cháy lên để tàn, và tàn để được cháy lên.
Khi tham gia vào một cuộc chơi, dù là người thắng hay người thua, cuối cùng, tất cả đều phải rời khỏi đó; nhưng không phải vì sẽ rời khỏi đó mà chúng ta không nỗ lực trong suốt thời gian tham gia cuộc chơi. Cuộc sống cũng vậy.
SÁCH KHAI MINH TRÂN TRỌNG GIỚI THIỆU
Nội dung tùy chỉnh viết ở đây